Ngè Giáp, Đền Nưa và lễ hội văn hóa tâm linh
Làng Cổ Định một vùng đất thiêng - Địa linh nhân kiệt, sơn thuỷ hữu tình.Từ thời thượng cổ nơi đây là một tụ điểm của cư dân Việt. Với cái tên khai sinh Chạ Kẻ Nứa cũng cho thấy nó là cộng đồng của thị tộc nông thôn nguyên thuỷ thuở xưa .
Cùng với sự phát triển của Lịch sử cái tên làng cũng được thay đổi nhiều lần, sự tách nhập cũng được diễn ra theo những thời điểm cụ thể. Có lẽ từ thế núi thế sông ấy mà dân cư xưa đã chọn nơi đây lập làng sinh sống. Làng Cổ Định chỉ với diện tích 2.573,99 ha nhưng lại là khu vực dày đặc các di tích lịch sử văn hoá với 11 Đình, 9 Chùa, . Vùng đất thiêng này cũng đã sản sinh biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân làm rạng danh quê hương, đất nước.
http://tanninh.blogspot.com/
Đỉnh Am Tiên, Ngàn Nưa
|
http://tanninh.blogspot.com/ Đền Nưa |
Về với đất Cổ Định mỗi chúng ta không thể kìm được sự phấn chấn, khát khao đến với những duệ hiệu được sắc phong ở các di tích:
- Nghè Giáp ( Đền trên).
- Đền Nưa.
- Đền thờ Luật Quốc Công Lê Thân.
- Đền thờ Hiệu vệ úy xa kỵ đại tướng quân Lê Lôi (Lam Sơn khai quốc công thần).
- Miếu Tào Sơn hầu, Tả hữu điện tiền, đô chỉ huy sứ Lê Trọng Đạt.
- Đền thờ Hoàng Giáp Lê Bật Tứ
Di tích Nghè Giáp còn có tên gọi khác là Đền trên, toạ lạc bề thế trên một khu đất rộng chừng 4 ha. Câu đối ngắn của các bậc tiền bối truyền ngôn để lại đến ngày nay là:
Đường lâu bài văn vật
Tuỳ điện khởi tôn ty
Dịch nghĩa:
Từ thời nhà Đường là lầu các để cất giữ những bằng sắc.
Bắt đầu từ thời nhà Tuỳ đã có điện thờ này.
Nghè Giáp được xây dựng kiểu nội công, ngoại quốc, là nghệ thuật kiến trúc điển hình thời Lê. Nét riêng của Nghè là vóc dáng hàng cột to cao hơn các ngôi đền khác, sự hài hoà giữa kèo, dường cột, không chạm trỗ cầu kỳ mà khoẻ chắc thanh thoát, nhà chính điện mặt quay ra đường cái nhìn vào dãy Ngàn Nưa. Hai ngôi nhà bên (tả, hữu) quay mặt vào sân giữa .Tam quan của Nghè rộng bề thế điển hình của kiến trúc thời Nguyễn. Nghi môn này được xây dựng lại vào năm 1941 trong dịp trùng tu lại Đền, do ông Cả Bốn người Hoàng Hóa thiết kế và xây dựng, thời gian 5 tháng. Hai bức tường trước cổng nối giữa cổng chính với cổng phụ đắp nổi hình Mã, Tượng vóc dáng dũng mãnh, khoẻ, chắc. Lối vào cổng chính hai bên tả - hữu có tượng quan văn, quan võ đường bệ, uy nghiêm , tất cả đều cân đối, hài hoà, thanh thoát .
Nghè Giáp giữ vai trò quan trọng về văn hoá tâm linh của dân Cổ Định . Năm 1965, nhà sử học Đào Duy Anh nhân một chuyến điền giã về Thanh Hoá đã tìm thấy bia Trường Xuân Hoàng Đế. Căn cứ vào nội dung bia thì Nghè Giáp nằm trong số trên dưới 100 đền thờ Thánh Lưỡng gọi là Tham Xung Tá Thánh. Ông tên Lê Hựu là con trai thứ 3 của ông Lê Cốc ( Lê Ngọc), thái thú Quận Cửu Chân. Sau khi nhà Đường tiêu diệt được nhà Tuỳ bên Trung Quốc, bèn sai quân tướng sang Giao Chỉ. Trong khi các thứ sử, thái thú khác đầu hàng chỉ riêng 5 cha con thái thú Lê Cốc không chịu đầu hàng. Ông Xưng vua, lấy hiệu là Trường Xuân Hoàng Đế, đóng đô ở Đông Ninh ( huyện Đông Sơn ngày nay), tổ chức kháng chiến chống nhà Đường kiên quyết bảo vệ quận Cửu Chân. Quận lỵ Cửu Chân theo đường chim bay cách Chạ Kẻ Nứa chừng 4 km. Bởi thế Ngàn Nưa trở thành hậu cứ của Lê Cốc.
Gần 3 năm trời cha con ông đã chiến đấu vô cùng anh dũng nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân giặc xiết chặt vòng vây. Cửu Chân bị phá vỡ. Gia đình ông bị tử nạn. Người con trai thứ 3 là ông Lê Hựu bấy giờ đang giữ chức Tham Xung Tá Quốc Công là người hy sinh cuối cùng.
Nhân dân Chạ Kẻ Nứa thương tiếc lập miếu thờ Tham Xung Tá Thánh Lê Hựu còn gọi là thánh Lưỡng. Như vậy Nghè Giáp khởi thuỷ là điện thờ Tham Xung Tá Thánh và cả gia đình ông hy sinh vì nạn nước (Thờ Thánh Ngũ vị).
Trong bài văn tế thần hàng năm ở Nghè Giáp có câu:
Cẩn rẩy! Tôn thần chi nghi! Vậy tiền viết chủ vị đất thánh Nghè Giáp. Ngũ tôn thần Chí Linh! Cẩm Tú Giang San Hữu chủ, sơn nguyên lãnh địa, do thần, ngưỡng vọng công đức tiền nhân!
Lãnh địa hữu, Na sơn Lãng thuỷ! Thần nhân phù trợ, hưng thịnh thiên thu thư, Ngũ tôn thần Tham Xung tá thánh.
Sau này Nghè Giáp còn thờ 10 vị Tiên Công có mặt từ thuở sơ khai góp công lập làng thuộc 8 dòng họ của làng Cổ Định.
Tại Nghè còn có bài minh ghi rõ:
Sơ canh khai phá
Thập vị Tiên Công:
Lê, Hứa, Nguyễn, Hoàng
Doãn, Phan, Ngô, Trịnh
Viễn Sơn nhi định
Cận thuỷ tất thành
Thế thế quảng canh
Niên niên đại chúng
Ở ngoài Nghi Môn của Nghè Giáp còn câu đối đắp nổi:
Thánh hiển từ Đinh, Lý, Trần, Lê, dĩ lai bách dư đạo sắc phong chúa tể thần quyền khâm đế bá.
Lãnh địa đắc Lãng thuỷ Na Sơn chi mạch thập phân định cổ ấp văn hoa dân tộc Diễn Công Hầu.
Tạm dịch :
Thánh hiển từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến nay hơn trăm đạo sắc phong đứng đầu thần linh do vua ban.
Linh địa có mạch sông Lãng, núi Nưa phân 10 ấp cổ văn hoa dân tộc Diễn Công Hầu.
Không những có tầm quan trọng về văn hoá tâm linh của dân làng Cổ Định mà Đền trên sở dĩ có tên là Nghè Giáp vì là nơi đón tiếp các vị tân khoa Tiến sĩ ( ông Nghè) vinh quy bái tổ về gặp gỡ dân làng. Trong suốt chiều dài lịch sử chế độ phong kiến, làng Cổ Định đã có 26 vị đậu tiến sĩ. Bắt đầu từ thời vua Trần Anh Tông (1276-1320) khoa thi Giáp Thìn (1304) làng Cổ Định có 4 người đỗ Thái học sinh ( tiến sĩ) là Lê Thân, Doãn Băng Hài, Lê Duy (Thúc) và Lê Duy Xử, trong đó cụ Lê Thân đậu Hoàng Giáp đứng sau Nguyễn Trung Ngạn nên cụ được xem là người khai khoa cho huyện Nông Cống.
Ở gian chính giữa trước bàn thờ tại Nghè có một sập bằng gụ để các ông Nghè ngồi, ngoài ra sập gụ ấy chỉ có các bậc cao niên từ tám mươi tuổi trở lên mới được ngồi mỗi khi làng có việc. Bởi thế cái tên Nghè Giáp còn để phân biệt với các Đình, Đền khác mà sau này mới lập nên.
Đến thời vãn Trần nhân dân Cổ Định cảm kích công lao to lớn của Thượng tướng quân Trần Khát Chân bị Hồ Quý Ly sát hại nên đã phối thờ ông ở Nghè Giáp.
Cùng với Nghè Giáp, Đền Nưa cũng được xem là nơi linh thiêng bậc nhất ở Cổ Định. Đền Nưa được công nhận là di tích cấp quôc gia. Di tích vừa mang đậm chất dân gian, huyền thoại, vừa là danh thắng nổi tiếng, song trên hết vẫn hướng về người nữ anh hùng Triệu Trinh Nương đầy huyền tích.
Theo truyền thuyết, Đền Nưa có từ thời Chạ Kẻ Nứa thờ bà Bạch y thánh mẫu ( Bà Thánh ngàn Nưa). Lúc đầu chỉ là một bệ đá cao trên đặt bát hương bằng ống bương. Nhân dân trong vùng khi có thiên tai, hoặc cầu mưa thuận gió hòa, đến thắp hương cầu xin đều linh nghiệm. Đến nay dân làng Cổ Định còn truyền lại câu chuyện, thời vua Tự Đức (1847 – 1883), tri huyện Nông Cống là ông Cao Bá Đạt ( anh trai Cao Bá Quát) theo lệnh vua vào núi Nưa săn một cặp hươu đen. Sau ba ngày, phường săn chỉ bắt được một con hươu sao, còn hươu đen chẳng thấy đâu. Buổi trưa, cùng quân lính và phường săn nghỉ tại gò Yên Ngựa, trong lúc mơ màng, Tri huyện Cao Bá Đạt thấy một phụ nữ dáng kiêu sa, ăn mặc theo kiểu người Mường đến bảo rằng: Ngày mai nhà ngươi đến thắp hương cho ta, ta sẽ giúp bắt được hươu đen. Nhưng nhớ được việc rồi hãy xây nhà cho ta. Giật mình tỉnh giấc, ông hỏi phường săn thì được biết dưới chân núi có bệ thờ bà Thánh ngàn Nưa. Sáng hôm sau ông tìm đến thắp hương khấn nguyện. Quả nhiên trong ngày hôm ấy phường săn đã giăng lưới bắt được hai con hươu đen. Khi giao nộp hươu đen cho triều đình, kể cho vua nghe sự việc và xin phép triều đình cho xây dựng Đền thờ Thánh mẫu Na Sơn.
Tuy nhiên, Đền thờ chỉ là ba gian nhà gạch lợp ngói, chưa có hàng rào và cổng Nghi môn. Đến năm 1942, Đền được trùng tu nâng cấp lần cuối. Một tốp thợ được mời từ kinh đô Huế thực hiện phần này. Đền được xây dựng như Nghè Giáp, có Chánh Điện, Hậu cung, sân lễ, tường bao. Đặc biệt cổng Nghi Môn xây cao hơn cổng Nghi Môn Nghè Giáp và chắc chắn hơn, họa tiết nhiều và tinh xảo hơn. Nhân dịp này, Hàn lâm học sĩ Lê Đình Ngô- người xóm Ất ( thầy dạy Hoàng tử Bửu Đảo – vua Khải Định) đã tặng đôi câu đối:
Na Sơn từ lĩnh trấn Na Sơn thần duy đức kỳ thịnh
Cổ Định xã nguyên tòng Cổ Định dân trực đạo nhi hành.
Dịch nghĩa:
Đền núi Nưa trấn lĩnh Ngàn Nưa thần vì đức ngày càng thịnh vượng
Xã Cổ Định gốc là Cổ Định dân ta theo đường thẳng mà đi
Trong các ngày 8 – 10/6/1965, máy bay Mỹ đánh phá mỏ Cromite Cổ Định, Đền bị phá hủy, riêng cổng Nghi Môn vẫn còn nguyên vẹn.
Sau này nhờ bá tánh thập phương Đền Nưa được khôi phục lại nhưng cũng chỉ là mấy gian nhà ngói, kém xa đền cũ. Riêng cổng Nghi Môn, năm 2012 – 2013, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa và Phòng VH-TT-DL huyện Triệu Sơn cấp kinh phí cho xã Tân Ninh khôi phục lại Nghi Môn. Đây là việc làm tốt, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân, chỉ tiếc, việc khôi phục làm biến dạng nhiều chi tiết cũ. Nghiêm trọng nhất là việc gắn các câu đối không theo nguyên bản. Đơn cử như câu đối mặt tiền Nghi Môn do Hàn lâm học sĩ Lê Đình Ngô tặng đáng lý vế đối nằm bên phải thì dán sang bên trái và ngược lại. Nghiêm trọng hơn vì vô tình hay cố ý hoặc thiếu hiểu biết mà chữ THẦN trong vế đầu bị thay bằng chữ TỔ. Được biết, Đền núi Nưa là thờ thần ( bà Thánh Ngàn Nưa), sau phối thờ thêm anh hùng nữ tướng Triệu Thị Trinh chứ không thờ bất cứ dòng họ nào ở làng Cổ Định. Việc này làm thay đổi ý nghĩa của câu đối, cao hơn làm thay đổi ý nghĩa thờ tự tại Đền Nưa. Sai lầm này nếu không được sớm khắc phục sẽ dẫn đến sự hiểu lầm cho con cháu về sau, dẫn đến tranh chấp, hoặc đánh tráo khái niệm, cố tình đưa dòng họ của mình vào thờ trong các ngôi đình, các ngôi đền như đã từng xảy ra.
Lễ hội đền Nưa là một tập tục tín ngưỡng dân gian, kết hợp với việc “ Uống nước nhớ nguồn” nhớ công ơn của Bà Triệu và viên tướng Trần Khắc Chân. Còn nhớ, khi giặc Minh đô hộ nước ta, làng Cổ Định có hơn 3000 người dân, đã kiên cường chống lại quân Minh. Năm 1415, giặc Minh tàn sát dã man, cả làng chỉ còn sống sót 18 người…Nhưng với sức sống mãnh liêt cho đến nay dân số đã lên tới gần 1 vạn người. Trải theo thăng trầm của lịch sử; người dân Cổ Định đã gầy dựng bao thành quả về kinh tế, xã hội, nhất là tạo dựng được bản sắc văn hoá riêng của làng quê mình…trong đó có Lễ hội. Hàng năm, từ rằm tháng Giêng bước vào lễ hội. Thiện nam tín nữ khắp bốn phương trẩy về đây thắp hương, niệm Phật cầu Thánh. Nếu ai đến vào đúng lễ hội sẽ được xem các cô đồng lên giá: bà Chúa thượng ngàn, cô Cả thoải cung, ông Hoàng, cô Chín, cô Ba, quan Hổ…trong không gian ấy, cùng với mùi huệ trắng, hương trầm tạo thành một không gian linh thiêng huyền ảo.
Như đã nói, Lễ hội Đền Nưa bắt đầu từ Rằm đến 20 tháng Giêng, ngoài lễ cầu ở Đền Nưa, chủ yếu là đến dâng hương ở chùa Am Tiên, ở đền Bà Triệu, Đền Thánh mẫu và ở Huyệt đạo quốc gia. Lễ hội thời gian có thể kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Còn du khách đến lễ bái, vãn cảnh quanh năm. Kết thúc lễ hội là Lễ rước bóng. Đó là lễ rước Thánh Mẫu và rước Đức Ông tại Nghè Giáp. Đám rước được nam thanh, nữ tú và các ông bà cao niên của các dòng họ mặc trang phục theo văn hóa truyền thống, quan binh văn võ sắc màu rực sỡ , mang theo cờ, lọng , vũ khí trông rất uy nghiêm. Lễ rước được bắt đầu cùng lúc ở Đền Nưa và Nghè Giáp. Hai đoàn rước kiệu Long Đình từ hai hướng sao cho đúng lúc gặp nhau ở ngã ba Đình Thượng tổ chức cúng lễ hợp giao. Cúng xong thì song rước đến bãi Đồng Trữa ( nay là Sân vận động xã) làm Lễ. Lễ xong lại rước Ông rước Bà về Đền và Nghè…
Mỗi vùng quê Việt dường như đều có lễ hội, nhưng lễ hội mỗi nơi thì lại có cái đặc trưng riêng. Đối với Ngàn Nưa, một vùng đất có cả một quần thể Đền, Chùa, Miếu, Nghè... chứa đầy sự tích huyền thiêng, độc đáo. Hàng năm, càng có đông du khách về đây thăm viếng và dự lễ hội, trở thành nơi du lịch tâm linh nổi tiếng của cả nước.
Thật là:
…Na Sơn một dãy đứng xa trông
Muôn thuở ngàn năm vẻ đượm nồng
Ngọn núi trập trùng non biếc biếc
Dòng khe uốn lượn nước trong trong
Gió chiều nhẹ thổi chim tìm bạn
Nắng sớm nỉ non vượn gọi chồng
Cảnh vật Ngàn Nưa ai đã tới
Khen thầm tạo hóa khéo nên công!
Thông tin liên hệ
QUẢNG CÁO TRỊNH GIA
Skype: trinhthangtn
Email: trinhthangtn@gmail.com
Địa chỉ: 175 Long Vân - Xã Đồng Lợi - Huyện Triệu Sơn - Thanh Hóa
Điện thoại:- 0912688861
Thông tin chuyển khoản
Ngân hàng Agribank CN Từ Sơn 2
Chủ tài khoản: Trịnh Đình Thắng
Số tài khoản: 2603205136357
Nhận xét